Sáng ngày 19/5, cầu Vàm Cống và đường dẫn cầu Vàm Cống thuộc dự án Kết nối khu vực Trung tâm đồng bằng Mê Kông đã khánh thành và chính thức thông xe trong niềm mong đợi và hân hoan của nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là cây cầu mang tính chiến lược, nằm trong trục giao thông mới xuyên Đồng Tháp Mười, xuyên Đồng bằng sông Cửu Long.


Tham dự buổi lễ, có Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể;
Lãnh đạo Tỉnh Đồng Tháp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Tôn Hoàng,
các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Hùng, Phạm Thiện Nghĩa.


Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp)
với quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh (thành phố Cần Thơ), dài 2,97km
và đường dẫn dài 5,8km, cách bến phà Vàm Cống khoảng 03km về phía hạ lưu.


Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây,
nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m. Trụ tháp hình chữ H cao 143m.
Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m, bao gồm 04 làn xe ô tô và 02 làn xe thô sơ.
Đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m,
gồm 04 làn xe cơ giới, 02 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80km/h.


Dự án được các đơn vị tư vấn kiểm định trong nước, tư vấn độc lập quốc tế đánh giá
đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn kết cấu, đủ điều kiện đưa vào khai thác,
sử dụng. Các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Vàm Cống.


Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể (thứ 3 từ trái sang)
và đại diện phía Hàn Quốc, tỉnh Đồng Tháp thực hiện nghi thức
mở biển tên cầu Vàm Cống và bắt tay thể hiện sự trân trọng cảm ơn
và kỳ vọng sự hợp tác trong thời gian tới.


Cầu Vàm Cống là mong mỏi của chính quyền khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
và của người dân nơi đây. Chính vì vậy trước giờ thông xe đã có hàng ngàn người dân
đón chờ tại đường dẫn lên cầu.


Và những chuyến xe đầu tiên đi qua cầu Vàm Cống.
Việc đưa cầu Vàm Cống và đường dẫn cầu vào khai thác, kết hợp cầu Cao Lãnh
và tuyến nối cầu Cao Lãnh – Vàm Cống) đã khai thác từ tháng 5/2018
góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long,
tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường đảm bảo quốc phòng – an ninh
trong khu vực; rút ngắn khoảng cách từ các tỉnh đến với Thành phố Hồ Chí Minh.


Cách cầu Vàm Cống 03 km về phía hạ lưu là Phà Vàm Cống.
Những chuyến phà thực hiện “sứ mệnh” đưa khách sang sông hàng trăm năm qua
vẫn sẽ tiếp tục hoạt động tại khu vực này.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Khánh thành cầu Vàm Cống – nghĩa là một mắt xích
 trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã được kết nối.
Cùng với cầu Cao Lãnh và đoạn đường kết nối cầu Cao Lãnh – Vàm Cống,
tỉnh Đồng Tháp không còn khuất nẻo. Không chỉ vậy, đối với An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ
 thì không có con đường nào đi đến Thành phố Hồ Chí Minh nhanh nhất
bằng con đường đi qua cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh.
Đây còn là cơ hội để thu hút nhà đầu tư, du khách đến với Đồng bằng sông cửu Long nhiều hơn.